Thị trường chứng khoán Mỹ nhìn chung đã hoạt động tốt trong năm 2024 và có thể tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2025. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo sẽ có sự thay đổi và gia tăng biến động khi các chính sách tiềm năng từ chính quyền Trump sắp tới kết hợp với sự bất ổn về lạm phát và sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù các cổ phiếu trong chỉ số S&P 500® hiện nay có mức giá cao so với lịch sử, nhưng với đà tăng trưởng và độ biến động lớn của thị trường, dự báo khả năng sẽ tiếp tục đạt được nhiều lợi nhuận trong 12 tháng tới. Tính đến ngày 9 tháng 12 năm 2024, chỉ số S&P 500 đã tăng gần 27% so với đầu năm, và tăng 31,46% trong vòng 12 tháng qua. Trong suốt bảy thập kỷ qua, chỉ có 2 lần thị trường đạt đỉnh với mức tăng trong 12 tháng vượt quá 30%. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng sẽ có sự gia tăng rủi ro về các đợt biến động mạnh và sự suy giảm định kỳ. Vì vậy, kỷ luật trong đầu tư là điều cần thiết.
Chứng Khoán và Nền Kinh Tế Mỹ: Khó Dự Đoán
Chúng ta thường nghe thấy những bình luận như là: "Thị trường không thích sự bất ổn"… vào những lúc thị trường hầu như hoàn toàn ổn định. Nhưng khi nhìn về cuối năm 2024 và hướng tới năm 2025, có thể sự bất ổn lần này vượt xa mức bình thường.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã vận động tranh cử với chương trình giảm thuế và giảm bớt các quy định được cho là có lợi cho tăng trưởng. Nhưng cũng đồng thời đề xuất tăng thuế nhập khẩu và trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép, một chính sách có thể dẫn đến suy thoái trong giai đoạn đầu. Suy thoái là tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao. Những yếu tố này và sự bất ổn mà chúng gây ra làm cho các nhà đầu tư cổ phiếu cả trong nước và quốc tế khó có thể lên kế hoạch cho tương lai, có thể tạo ra một môi trường thận trọng và lo ngại trên nhiều lĩnh vực chính sách. Thêm vào đó là Cục Dự Trữ Liên bang hoạt động theo chế độ phụ thuộc vào dữ liệu, sẽ dẫn đến tình trạng ra những chính sách dựa theo hành vi của thị trường.
Tin tốt là nền kinh tế trong nước trong hai thập kỷ qua đã chứng kiến sự tăng trưởng bền vững và linh hoạt hơn, cùng với sự tự chủ về sản xuất thực phẩm và năng lượng, làm giảm sự phụ thuộc vào thương mại quốc tế. Điều này đã dẫn đến tỷ suất sinh lời cao hơn từ vốn đầu tư vào Mỹ và dòng vốn lớn vào nền kinh tế cùng với một đồng đô la mạnh.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố bất ổn cần xem xét trong tương lai, đặc biệt là chính sách nhập cư. Dù bạn có quan điểm như thế nào về vấn đề nhập cư và các giải pháp phù hợp, chắc chắn việc làm chậm quá trình nhập cư cùng với việc trục xuất hàng loạt sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động và cung ứng lao động, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến kinh tế.
Hiện tại, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Mức thất nghiệp tăng từ 3,4% vào đầu năm 2023 lên 4,2% hiện nay chủ yếu là do sự gia tăng đáng kể lực lượng lao động nhờ vào nhập cư, chứ không phải do sa thải. Nếu nhập cư giảm và việc trục xuất gia tăng, cùng với sự suy giảm lực lượng lao động, áp lực tăng tiền lương có thể gia tăng. Điều này cộng với sự suy giảm tỉ lệ gia tăng của mức lương tối thiểu có thể khiến Cục Dự Trữ Liên bang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh chính sách, đặc biệt là nếu lạm phát gia tăng.
Về phía tăng trưởng, các đề xuất liên quan đến thuế, bao gồm việc gia hạn các cắt giảm thuế của năm 2017 và khả năng giảm thuế doanh nghiệp thêm nữa là một yếu tố tích cực. Thêm vào đó là các chính sách giảm quy định cũng đang được đề xuất. Tuy nhiên, có thể sẽ có vấn đề về thời gian vì các chính sách liên quan đến thuế cần có sự phê duyệt của Quốc hội, trong khi các chính sách thuế và nhập cư có thể được thực hiện qua các sắc lệnh hành pháp.
Thị Trường Chứng Khoán: Khả Năng Biến Động Cao
Về thị trường chứng khoán, các chuyên gia cho rằng nhìn chung, cổ phiếu có thể tiếp tục đạt kết quả tốt từ điểm A (đầu năm) đến điểm B (cuối năm). Tuy nhiên, mức độ biến động của thị trường có thể sẽ khác so với những gì nhà đầu tư đã quen thuộc trong năm 2024. Năm qua tuy cũng có những lần biến động mạnh nhưng mức độ tổn thất tương đối thấp: mức giảm lớn nhất của S&P 500 là -8,5%; mức giảm trung bình của các công ty trong S&P 500 là -20%. Các chuyên gia cho rằng khả năng xảy ra một tình huống tương tự trong năm 2025 là khá thấp.
Một lý do cho sự suy giảm hiệu suất sau một năm mạnh mẽ như vậy có thể liên quan đến định giá. Dựa trên tỷ lệ giá trên lợi nhuận bình quân trong 5 năm, chỉ số S&P 500 hiện nay đang ở mức rất cao, và thực tế chỉ có hai giai đoạn có định giá cao hơn vào cuối những năm 1990 và năm 2021—cả hai đều là những giai đoạn trước khi thị trường suy yếu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận định giá như một chỉ báo tâm lý, và cho rằng môi trường định giá cao hiện nay là sản phẩm của sự lạc quan đối với cổ phiếu, chứ không phải là một rủi ro đối với hiệu suất thị trường trong ngắn hạn.
Các chuyên gia tiếp tục khuyến nghị duy trì sự đầu tư vào những công ty mạnh, tìm kiếm các cổ phiếu của các công ty có yếu tố như lợi nhuận cải thiện, sức mạnh bảng cân đối kế toán, tỷ lệ khả năng chi trả lãi suất tốt (đo lường khả năng công ty trả lãi trên nợ) và dòng tiền tự do khỏe mạnh.
Thị Trường Trái Phiếu: Cục Dự Trữ Liên Bang Có Thể Cắt Giảm Đến Mức Nào?
Có vẻ như các nhà đầu tư trái phiếu sẽ trải qua một năm 2025 đầy biến động, với nhiều kết quả khác nhau. Trong phần lớn năm 2024, kịch bản hạ cánh mềm với tăng trưởng vừa phải và lạm phát giảm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp đã khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm, nhưng lợi suất đã phục hồi vào cuối năm do các ước tính tăng trưởng được điều chỉnh tăng và những lo ngại về các đề xuất chính sách có thể đẩy lạm phát tăng trong năm 2025.
Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu cắt giảm lãi suất liên bang—lãi suất mà các ngân hàng cho vay qua đêm—vào tháng 9 năm 2024. Đến tháng 11, Cục Dự trữ Liên bang đã cắt giảm 75 điểm cơ bản (0,75%), xuống còn khoảng 4,50% đến 4,75%.
Tuy nhiên, nếu áp lực lạm phát gia tăng—dù tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn dự đoán hay các thay đổi chính sách của chính phủ, chẳng hạn như tăng thuế nhập khẩu hay giảm thuế mà không giảm chi tiêu—thì khả năng Cục Dự trữ Liên bang giảm lãi suất trong năm 2025 sẽ bị giới hạn. Với những rủi ro tăng lạm phát, khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất, giữ chính sách ổn định trong một số cuộc họp của năm 2025. Trừ khi thị trường lao động suy yếu đáng kể, việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang có thể sẽ chậm và ít hơn so với những gì trước đây đã kỳ vọng. Mức lãi suất "cuối cùng" vào khoảng 3,50% đến 4,0% là hợp lý theo các chuyên gia trong chu kỳ này.
Thị trường trái phiếu đang bị kẹt giữa kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất và những rủi ro liên quan đến lạm phát cao và mức nợ tăng lên vào năm 2025. Với triển vọng và lịch trình chính sách không chắc chắn, các chuyên gia ưu tiên điều chỉnh thời gian đáo hạn (một thước đo sự nhạy cảm của trái phiếu với sự thay đổi lãi suất) về mức chuẩn hoặc thấp hơn để giúp giảm thiểu rủi ro lãi suất. Các chuyên gia sử dụng Bloomberg US Aggregate Bond Index, với thời gian đáo hạn hiện tại là 6,2 năm, làm thước đo cho các trái phiếu có xếp hạng đầu tư, nhưng mỗi nhà đầu tư trái phiếu nên có thước đo riêng của mình dựa trên thời gian đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro. Các nhà đầu tư cũng có thể xem xét dựa vào thang trái phiếu (bond ladder) — một danh mục các trái phiếu cá nhân có ngày đáo hạn phân bổ — như một cách hữu ích để phân bổ các khoản đáo hạn của trái phiếu theo thời gian và quản lý thời gian đáo hạn.
Các chuyên gia cũng ưu tiên các trái phiếu có chất lượng tín dụng cao, chẳng hạn như trái phiếu doanh nghiệp (investment-grade corporate) và trái phiếu chính quyền (municipal bonds). Định giá hiện đang ở mức cao, với mức chênh lệch lợi suất so với trái phiếu Chính phủ rất thấp. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản hiện tại có vẻ vững chắc và lợi suất ở mức hấp dẫn.
Chứng Khoán Toàn Cầu và Nền Kinh Tế: Vượt Qua Các Rào Cản
Năm 2025 có thể mang đến những rào cản đối với cổ phiếu toàn cầu dưới dạng chính sách thương mại không chắc chắn, chính sách tài khóa thắt chặt và tăng trưởng chậm hơn so với trung bình trên toàn cầu và lợi nhuận doanh nghiệp. Tất cả những yếu tố này có thể làm tăng biến động. Tuy nhiên, với sự cải thiện trong tăng trưởng, cùng với việc giá trị cổ phiếu tăng lên, có thể hỗ trợ lợi nhuận tốt đối với cổ phiếu quốc tế trong năm 2025, với những cơ hội khác nhau tùy theo khu vực.
Chiến tranh thương mại có thể là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2025. Trump đã từng đe dọa đánh thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 10%-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác. Nếu được thực thi hoàn toàn, mức thuế này sẽ là mức cao nhất trong hơn 100 năm, vượt qua mức thuế của Đạo luật Smoot-Hawley những năm 1930, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ Đại Suy Thoái (Great Depression) lúc đó.
Tuy nhiên, có lý do để tin rằng kịch bản thuế cực đoan này sẽ không được thực hiện đầy đủ. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, mặc dù đã đe dọa thực hiện thuế toàn diện đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và chấm dứt thỏa thuận thương mại với Mexico và Canada, Trump không chỉ ký kết một thỏa thuận thương mại "Phase One" với Trung Quốc mà còn tái đàm phán thành công Hiệp định Tự Do Thương Mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), trước đây là NAFTA và Hiệp định Tự Do Thương Mại với Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu lịch sử lặp lại, các mối đe dọa thuế cực đoan có thể chỉ là công cụ đàm phán dẫn đến thỏa thuận với Trung Quốc và các quốc gia khác, và có thể ít gây xáo trộn hơn đối với tăng trưởng kinh tế, lạm phát, doanh thu và hoạt động của các công ty đa quốc gia.
Dù vậy, thuế có thể vẫn tăng ở một mức độ nào đó, điều này mang lại rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, tác động có thể sẽ nhỏ hơn những gì thường được lo ngại, dựa trên các dự báo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp quốc tế sẽ vượt qua các rào cản mà nó đang đối mặt và cải thiện. Tăng trưởng nhanh hơn, mặc dù vẫn dưới mức trung bình, có thể kết hợp với giá trị cổ phiếu gia tăng, được hỗ trợ bởi các cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương, để thúc đẩy lợi nhuận cho cổ phiếu quốc tế trong chỉ số MSCI EAFE các thị trường phát triển. Tuy nhiên, biến động mạnh có thể xảy ra do các rủi ro đã được dự báo và chưa dự báo trong năm 2025. Các nhà đầu tư có thể muốn xem xét các danh mục đầu tư đa dạng trên các ngành và quốc gia để giúp quản lý rủi ro biến động tiềm tàng.
Nguồn: Schwab Market Commentary
Comments